Con dao hai lưỡi

Trung Quốc đã hạ giá đồng nhân dân tệ (ký hiệu là CNY) xuống dưới một mốc quan trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Cụ thể, vào ngày 8/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá trung tâm ở mức 7,2038 CNY đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023.

Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, PBoC hạ giá đồng nội tệ xuống dưới 7,2 CNY đổi 1 USD. Giới đầu tư coi cột mốc này là lằn ranh đỏ không chính thức của các quan chức Trung Quốc khi kiểm soát tỷ giá, Bloomberg cho hay.

Động thái của PBoC khiến giá CNY giao ngay sụt giảm dù tâm lý trên thị trường chứng khoán được cải thiện phần nào.

Hạ giá CNY được coi là một trong những phương án để Bắc Kinh gia tăng sức hút của hàng xuất khẩu trong bối cảnh xung đột thương mại leo thang.

Song mặt khác, động thái này có nguy cơ khiến dòng vốn tháo chạy mạnh hơn, khiến Mỹ nổi giận và gây khó khăn cho bất kỳ cuộc đàm phán thuế quan tiềm năng nào.

Ngược lại, nếu Trung Quốc ấn định tỷ giá trung tâm ở mức cao hơn, ngành xuất khẩu của đất nước tỷ dân có nguy cơ sẽ bị tổn thương và cùng với đó nền kinh tế cũng sa sút.

Bà Becky Liu, Giám đốc bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại ngân hàng Standard Chartered, bình luận: “Nhìn từ tỷ giá trung tâm mới nhất, chúng ta có thể cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang chuyển trọng tâm sang kìm hãm sự mất giá thay vì đặt giới hạn cứng ở mức 7,35 CNY đổi 1 USD.

Trung Quốc cho phép tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn như một công cụ để giảm bớt áp lực do thuế quan gây ra lên tăng trưởng kinh tế”.

Vào ngày 7/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 50% lên hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không rút lại quyết định đánh thuế trả đũa 34% lên hàng hóa Mỹ.

Đến ngày 8/4, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ “chiến đấu tới cùng” và không dỡ bỏ thuế quan vì lời đe dọa của ông Trump.

Cú sốc phá giá

Kể từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai, giới đầu tư đã chú ý đến khả năng Trung Quốc điều chỉnh chiến lược tỷ giá. Nhưng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc liên tục cam kết sẽ duy trì sự ổn định của đồng CNY và ngăn tỷ giá biến động quá mạnh.

Giờ đây, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các manh mối mới báo hiệu lập trường của PBoC về đồng nội tệ và liệu các quan chức có tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hay không. Ngày càng nhiều nhà phân tích dự đoán CNY sẽ giảm giá mạnh trong tương lai gần, dù nhóm này chưa chiếm số đông.

Well Fargo nhận thấy có khả năng Trung Quốc sẽ cho phép CNY mất giá 15% trong vòng hai tháng một cách có chủ đích.

Ông Brad Bechtel, Giám đốc bộ phận ngoại hối toàn cầu tại Jefferies Financial Group, ước tính có 75% khả năng Bắc Kinh sẽ phá giá CNY. Ông nói thêm rằng nếu quả thực PBoC chọn phương án này, họ sẽ “hành động mạnh tay, khiến CNY giảm giá 20% hoặc 30%”.

Nhưng đa số cho rằng PBoC sẽ không hành động quyết liệt đến vậy, bởi việc phá giá tiền tệ có thể khiến tình trạng vốn tháo chạy trở nên trầm trọng hơn và làm tổn thương lòng tin của nhà đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc.

Và trong kịch bản nhà đầu tư trở nên bi quan về CNY, PBoC có nhiều cách để giảm bớt biến động của thị trường. Trong quá khứ, PBoC đã triển khai các công cụ như điều chỉnh thanh khoản ngoại hối và phát hành trái phiếu nước ngoài để kiềm chế đà giảm của đồng nội tệ.

Ông Ken Cheung, chuyên gia cấp cao về ngoại hối châu Á tại ngân hàng Mizuho, cho biết: “Chúng tôi dự kiến PBoC sẽ cho phép tỷ giá từ từ biến động linh hoạt hơn sau ngày áp thuế 9/4, nhưng có rất ít khả năng các quan chức sẽ để giá CNY giảm mạnh vì họ lo ngại rủi ro dòng vốn chảy ra.

Chúng tôi cũng cho rằng PBoC sẽ chọn duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái để có dư địa tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ".