Người dùng TikTok tại Mỹ đang liên tục bắt gặp các video từ những influencer (người có ảnh hưởng) Trung Quốc. Nội dung các video này kêu gọi người tiêu dùng Mỹ bỏ qua rào cản thuế mà Tổng thống Donald Trump áp đặt, bằng cách mua hàng trực tiếp từ Trung Quốc - nơi được gọi là “công xưởng của thế giới”.
Phần lớn các video được quay tại các nhà máy ở Trung Quốc. Những người sáng tạo nội dung cho biết đây là nơi sản xuất hàng cho nhiều thương hiệu nổi tiếng của Mỹ như Lululemon hay Nike.
Họ muốn cho người xem thấy rằng phần lớn hàng tiêu dùng hiện nay đều được sản xuất tại Trung Quốc. Nhiều người còn chia sẻ đường link website và thông tin liên hệ để khách hàng có thể đặt hàng trực tiếp từ nhà máy. Một người bán túi xách cao cấp nói: “Sao bạn không liên hệ và mua thẳng từ chúng tôi? Giá mà chúng tôi đưa ra chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ”.
Trong một video khác, tài khoản @LunaSourcingChina đứng trước một nhà máy và cho biết nơi này sản xuất quần legging giống của Lululemon với giá chỉ từ 5 đến 6 USD, trong khi sản phẩm được bán tại Mỹ với giá hơn 100 USD. Cô nói: “Chất liệu và đường may gần như giống hệt nhau”.
Phía Lululemon cho biết công ty chỉ sản xuất khoảng 3% sản phẩm hoàn chỉnh tại Trung Quốc đại lục. Họ khẳng định sản phẩm chính hãng chỉ được bán tại các cửa hàng của Lululemon, trang web chính thức và các đối tác được ủy quyền.
Nhiều video đang trở nên phổ biến trên TikTok, dù được đăng từ tháng 3 nhưng chỉ mới thu hút sự chú ý trong vài ngày gần đây. Một video có tiêu đề “Trung Quốc vạch trần sự thật” đã thu hút 8,3 triệu lượt xem và 492.000 lượt thích tính đến sáng 14/4 theo giờ Việt Nam.
Video tiết lộ nhà cung cấp của thương hiệu Lululemon tại Trung Quốc đạt 2,6 triệu lượt xem và hơn 215.000 lượt thích. Một video khác với tiêu đề “Chúng tôi né thuế như thế nào” cũng ghi nhận gần 1 triệu lượt xem và 118.000 lượt thích.
Ông Alex Goldenberg, cố vấn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Mạng lưới và Tác động xã hội của Đại học Rutgers, nhận định rằng đây có thể là một chiến dịch có chủ đích. Mục đích là làm suy yếu chính sách thuế của ông Trump đối với Trung Quốc bằng cách sử dụng TikTok để quảng bá hình ảnh sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn và hấp dẫn hơn – ngay cả khi điều đó đi ngược lại các quy định thương mại hiện hành.
Hiện chưa rõ việc đặt hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp Trung Quốc có thực sự giúp người tiêu dùng Mỹ tránh được thuế hay không. Bởi từ ngày 2/5, Mỹ sẽ chính thức bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với các đơn hàng nhỏ gửi về các địa chỉ cá nhân.
Tuy nhiên, các video này đang cố gắng làm suy giảm lập luận của chính quyền Mỹ rằng các biện pháp thuế quan hiện tại là để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trong nước.
Thuế đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc hiện đã tăng lên 145%. Trong khi đó, ông Trump đã tạm hoãn áp thuế bổ sung với các quốc gia khác trong vòng 90 ngày.
Làn sóng video trên TikTok cũng cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của các nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc đối với cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ. Thuật toán của TikTok, với khả năng định hướng nội dung mà hàng triệu người dùng Mỹ nhìn thấy, đang là một trong những lý do khiến chính phủ Mỹ muốn buộc công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc phải từ bỏ quyền kiểm soát hoạt động toàn cầu của nền tảng này.
Hiện TikTok vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Một số ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc như Xiaohongshu (còn gọi là Red Note) đang dần thu hút sự quan tâm của giới trẻ Mỹ. Điều này diễn ra trong bối cảnh quyền truy cập TikTok tại Mỹ vẫn còn nhiều bất ổn.
Ông Tom Harper, giảng viên về quan hệ quốc tế Trung Quốc tại Đại học East London, cho biết nhiều bài đăng gần đây mang tính chất đối đầu và mỉa mai Mỹ. Theo ông, chúng không còn coi Mỹ là mối đe dọa, mà chủ yếu để phản bác và chế giễu. Ông cũng cho biết các video này xuất hiện sau làn sóng hình ảnh do trí tuệ nhân tạo tạo ra, mô tả người Mỹ làm việc trong các dây chuyền sản xuất.
Một số video chỉ trích trực tiếp chính sách thương mại của Mỹ. Thậm chí, có nội dung kêu gọi người dân Mỹ đứng lên hành động. Tài khoản @neil778027 nói trong một video:
“Trong nhiều thập kỷ, chính phủ và giới tài phiệt Mỹ đã đưa việc làm sang Trung Quốc. Không phải vì ngoại giao hay hòa bình, mà để tận dụng nhân công giá rẻ. Họ làm điều đó vì lợi nhuận, và hậu quả là tầng lớp trung lưu và người lao động Mỹ bị ảnh hưởng nặng. Họ còn bắt các bạn cảm thấy tự hào trong khi đang bán rẻ tương lai của chính các bạn. Người Mỹ không cần thuế quan. Các bạn cần một cuộc cách mạng”.
Cuối tuần trước, Mỹ thông báo miễn thuế cho một số mặt hàng từ Trung Quốc như điện tử, máy tính và chip bán dẫn. Tuy nhiên, chưa rõ chính sách này sẽ kéo dài bao lâu. Việc miễn thuế này không áp dụng cho phần lớn hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Trong đó có quần áo và phụ kiện – những sản phẩm xuất hiện nhiều trong các video trên TikTok.
Nhiều thương hiệu xa xỉ châu Âu cũng được nhắc đến trong các video này. Tuy nhiên, người đăng không giải thích vì sao lại đưa các thương hiệu đó vào nội dung nhằm phản ứng với Mỹ.
Một vấn đề khác được đặt ra là việc các nhà máy xuất hiện trong video có đang vi phạm thỏa thuận bảo mật (NDA) với các đối tác quốc tế hay không. Những video như vậy có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa thương hiệu và nhà sản xuất.
Ông Cameron Johnson, đối tác cấp cao tại công ty tư vấn Tidalwave Solutions (Thượng Hải), vừa đến thăm trung tâm thương mại Yiwu tại Trung Quốc. Ông cho rằng những gì đang diễn ra là một sự thay đổi lớn trong cách mua hàng từ Trung Quốc.
Ông chia sẻ với Bloomberg TV: “Trước đây, bạn sẽ tìm hàng thông qua một đơn vị trung gian hoặc công ty thương mại. Họ lo kiểm tra chất lượng, dẫn bạn đi thăm nhà máy và giúp xây dựng mối quan hệ. Có thể lâu lâu bạn mới đến tận nơi”.
“Còn bây giờ, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi hoàn toàn. Ai cũng có thể tiếp cận nhà máy và đặt hàng trực tiếp. Mọi thứ đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết”, ông nói.