Hai tháng liên tiếp IIP tăng dưới 10%

Theo báo cáo của Chi cục Thống kê Bắc Ninh, tháng 5 là tháng thứ hai liên tiếp tỉnh ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt tăng trưởng dưới 10% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù vẫn duy trì tăng cao so với tháng trước. Cụ thể, IIP tháng 5 của tỉnh tăng 14,12% so với tháng trước, chủ yếu do ngành 26 đã được đẩy mức sản xuất tăng lên và chỉ tăng 4,61% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP Bắc Giang tăng 9,33% so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù mất mốc tăng hai con số do IIP đạt mức tăng không cao trong hai tháng liên tiếp (tháng 4 và tháng 5) nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng IIP 5 tháng đầu năm cao nhất của tỉnh trong ba năm gần đây.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,31%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,58% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng cao 23,19%.

Thu hút vốn FDI gấp 2,42 lần cùng kỳ

Chi cục Thống kê Bắc Ninh tổng hợp đến ngày 20/5, tỉnh đã thu hút 2,69 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gấp 2,42 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỉnh đã cấp mới thêm 124 dự án đầu tư FDI, giảm 78 dự án, tương đương giảm 38,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký đạt 242,1 triệu USD.

Ngoài ra, tỉnh cũng cấp chứng nhận điều chỉnh vốn cho 79 dự án, tương đương cùng kỳ, tăng 9 dự án, tương đương tăng 12,9% so với cùng kỳ; với số vốn điều chỉnh tăng 2,08 tỷ USD, tăng đột biến 1,64 tỷ USD, tương đương tăng gấp 4,7 lần; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 9 lượt, giảm 15 lượt, tức giảm 62,5% với giá trị là 14,4 triệu USD, giảm 14,5 triệu USD, tức giảm 50,2%; thu hồi 24 dự án, giảm 5 dự án, tức giảm 17,2% với tổng vốn đầu tư là 65,1 triệu USD, tăng 40,7 triệu USD, tức tăng gấp 2,7 lần.

Số doanh nghiệp giải thể tăng tới 68,4%

Số liệu từ Chi cục Thống kê Bắc Ninh cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Trong 5 tháng qua, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.516 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 25.276 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 2,2% về số doanh nghiệp và tăng 22,3% về tổng vốn đăng ký. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 437 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng, giảm 14,1% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, toàn tỉnh ghi nhận 320 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng tới 68,4% so với cùng kỳ; 1.501 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng 23,5%.

Như vậy, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và tái gia nhập thị trường tại Bắc Ninh trong 5 tháng là 1.953 doanh nghiệp, giảm 2% và bằng 107,2% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (có 1.821 doanh nghiệp nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 29,6%). Ngoài ra, có 184 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình, tăng 12,2% nhằm thích nghi theo mô hình hoạt động phù hợp hơn.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng cao

Theo Chi cục Thống kê Bắc Ninh, hoạt động thương mại - dịch vụ của tỉnh vẫn duy trì đà tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 51.135 tỷ đồng, tăng cao 23,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 38.690 tỷ đồng, tăng 24,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 4.040 tỷ đồng, tăng 7,8%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 184 tỷ đồng, tăng 22,9%; doanh thu ngành dịch vụ ước đạt 8.221 tỷ đồng, tăng 30,2%.

Xuất siêu 500 triệu USD

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Bắc Ninh đạt khoảng 29,88 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu khoảng 500 triệu USD.

Hiện tại, Bắc Ninh xếp thứ ba cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đạt 15,19 tỷ USD và xếp thứ 4 về kim ngạch nhập khẩu, đạt 14,69 tỷ USD.

CPI tăng 2,38%, 9 nhóm có chỉ số giá tăng

Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Bắc Ninh giảm nhẹ 0,05% so với tháng trước, tăng 1,95% so với cùng tháng năm trước và tăng 1,19% so với tháng 12/2024.

Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 2,38% so với bình quân cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ chính, 9 nhóm có chỉ số giá tăng. Hai nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông giảm 4% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Thu ngân sách đạt trên 50% dự toán năm

Tính chung 5 tháng năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước tại Bắc Ninh ước đạt 20.086 tỷ đồng, bằng 51,9% dự toán năm và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 16.505 tỷ đồng, bằng 54,9% dự toán năm và tăng 28,8% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương trong 5 tháng ước đạt 11.235 tỷ đồng, bằng 50,5% dự toán năm và tăng tới 72,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 6.308 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán và tăng 98,5% so với cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 4.923 tỷ đồng, bằng 38% dự toán và tăng 47% so với cùng kỳ.

Nợ xấu chiếm 0,62% tổng dư nợ

Về hoạt động của các tổ chức tín dụng, ước tính đến thời điểm cuối tháng 5, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 231.848 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, tiền gửi cá nhân ước đạt 154.778 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; tiền gửi của các tổ chức ước đạt 75.000 tỷ đồng, tăng 9,6%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 2.070 tỷ đồng, tăng 6,1%.

Ở chiều ngược lại, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đến thời điểm cuối tháng 5 ước đạt 218.003 tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng thời điểm năm trước, vượt xa kế hoạch đã đề ra (kế hoạch tăng 16%). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 31,6%; dư nợ cho vay trung và dài hạn ước đạt 58.003 tỷ đồng, tăng 26,7%. Ước tính đến hết ngày 31/5, nợ xấu trên địa bàn là 1.352 tỷ đồng, chiếm 0,62% tổng dư nợ.