"Trả lời cho câu hỏi Việt Nam đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế chưa? Tôi khẳng định là đủ", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam sáng 4/1.

Nghị quyết này được ban hành để thực hiện Kết luận 47 của Bộ Chính trị, đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng. Việc xây dựng các trung tâm này nhằm phát triển Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ liệt kê 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.

Đầu tiên, quy mô GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 470 tỷ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng 33-34 thế giới. Bình quân GDP đầu người khoảng 4.600 -4.700 USD. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% và phấn đấu đạt mức 2 con số trong những năm tới.

Thứ hai, theo Thủ tướng, các đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Thứ ba, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt hai con số, cao nhất khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với trên 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP. Tiếp đến, theo Thủ tướng, là yếu tố chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam có vị trí chiến lược, vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới, có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.

Tại hội nghị, bà Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Anh tại TP HCM, cũng cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM và Trung tâm tài chính khu vực ở Đà Nẵng. Bà nói thêm, trụ cột tài chính cực kỳ quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong năm 2023, dịch vụ tài chính của Việt Nam đã đóng góp vào GDP 4,9%.

Việc sớm phát triển trung tâm tài chính và khu vực và quốc tế được Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá có nhiều ý nghĩa tích cực. Điều này sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.

Tuy vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhìn nhận xây dựng trung tâm tài chính là việc khó, mới và phức tạp. Do đó, việc này phải cần tất cả bộ, ngành trung ương phải đồng lòng và phải xác định đây không phải là việc riêng của TP HCM hay Đà Nẵng.

"Khó mấy cũng phải làm", Thủ tướng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng kinh nghiệm phát triển các trung tâm tài chính trên thế giới và khu vực cho thấy, sự phát triển của thị trường vốn cùng thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng là những cấu phần nền tảng và quan trọng.

Tuy nhiên, phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ tại các trung tâm tài chính mới nổi là nhiệm vụ khó, phức tạp do có sự cạnh tranh cao với các trung tâm tài chính đã phát triển. Do đó, Việt Nam phải nắm bắt kịp thời cơ và nhận diện những thách thức như sự cạnh tranh của các trung tâm tài chính khác.

Theo bà Hồng, quá trình nghiên cứu chuyên sâu các trung tâm tài chính cho thấy không có mô hình chung cho việc các cơ quan tài chính, mỗi quốc gia lựa chọn chính sách dựa vào điều kiện, đặc thù của từng đất nước.

Sau thời gian nghiên cứu chuyên sâu về phát triển tiền tệ và ngân hàng trong trung tâm tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã xác định rõ chủ thể tham gia trung tâm tài chính, phạm vi giao dịch sản phẩm dịch vụ, xác định các cơ chế, chính sách để áp dụng phù hợp. Trung tâm tài chính sẽ thành lập các cơ quan quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan phân tích, đánh giá tác động các chính sách ưu đãi đột phá, các cách thức quản lý, điều hành phù hợp.

Là địa phương đặt Trung tâm tài chính quốc tế, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố sẽ quy hoạch không gian phát triển trung tâm tài chính một cách đồng bộ, bao gồm cả khu vực trung tâm và các khu vực mở rộng. TP HCM tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Bên cạnh đó, thành phố cũng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích và thu hút đầu tư.

Người đứng đầu đảng bộ TP HCM nói địa phương quyết tâm cao nhất để thực hiện các kế hoạch và chương trình đã đề ra, đồng thời mong muốn sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ ngành trung ương.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết địa phương đã thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc để xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ xây dựng và phát triển bộ máy quản lý, vận hành trung tâm tài chính cũng như kêu gọi đầu tư, chuẩn bị hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhân lực...

Theo ông Quảng, Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính và tài chính thương mại với mục tiêu là tạo ra sự khác biệt giữa dịch vụ tài chính truyền thống.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện cơ quan được giao chủ trì nghiên cứu việc xây dựng trung tâm tài chính, đề xuất ngay trong năm nay, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và hai địa phương cần phối hợp để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, ông cho rằng nên tập trung hoàn thiện các nhóm chính sách tại Đề án đã được Bộ Chính trị phê duyệt; chủ động đề xuất các chính sách cần thiết để đảm bảo sức cạnh tranh của các Trung tâm tài chính tại Việt Nam

Hội nghị sáng nay cũng có sự tham gia của lãnh sự các nước Anh, Australia, Singapore... và nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham dự. Trong đó, đại diện lãnh sự Anh cam kết nước này sẽ hỗ trợ, đóng góp kỹ thuật, kết nối các chuyên gia, ngân hàng của Anh quốc để cùng xây dựng trung tâm quốc tế tại Việt Nam. Ngoài ra, nước Anh sẽ cung cấp các chương trình nâng cao năng lực cho các cán bộ nhà nước, cũng như các chuyên gia tại Việt Nam tiếp nhận được các xu hướng toàn cầu, luật pháp quốc tế, cơ chế phát triển để học hỏi, áp dụng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.