Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, cùng với sản xuất tăng trưởng vững chắc, chính sách tiền tệ phù hợp cũng góp phần vào sự phục hồi kinh tế từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, trong 10 tháng, xuất khẩu tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; trong khi nhập khẩu tăng 16,8% với ngành xuất nhập khẩu hàng điện tử đang tiếp tục phục hồi. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục tăng mạnh mẽ khi vốn giải ngân tăng 8,8% còn cam kết tăng 1,9% so với trong cùng kỳ.
Tuy vậy, kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn cần thận trọng do số liệu kinh tế vĩ mô gần đây có sự điều chỉnh nhẹ với mức tăng trưởng quý IV là 6,9% so với cùng kỳ năm trước, chậm lại so với quý III là 7,04%.
Đáng lưu ý, dù đã có một số dấu hiệu phục hồi song ngành bất động sản vẫn đang gặp thách thức. Tương tự, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ tăng nhỏ giọt - cho thấy tình trạng thiếu thanh khoản, bất động sản chiếm khoảng 20% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Vì vậy, Standard Chartered vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý IV là 6,9% và cả năm là 6,8% (hồi tháng 9).
Dù vậy, các hoạt động kinh doanh sẽ tăng trong năm 2025 và những năm tiếp theo, với sự hỗ trợ từ nguồn đầu tư từ nước ngoài và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 7-7,5% vào năm 2025 của Chính phủ thông qua động lực kinh tế mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nền kinh tế tuần hoàn.
Dự báo, GDP của Việt Nam nửa đầu năm 2025 sẽ tăng mạnh ở mức 7,5%, nửa cuối năm là 6,1% và cả năm là sẽ ở mức 6,7%.
Những thách thức trong quá trình phục hồi
Tuy vậy, bà Hạnh lưu ý, dù lạm phát đã chậm lại trong thời gian gần đây và có thể ở mức 3,1% trong quý IV và cả năm ở mức 3,7%. Song, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng có thể bắt đầu tăng trở lại vào giữa năm 2025 và báo ở mức 3,8% cho năm 2025. Điều này sẽ làm phức tạp quá trình phục hồi trong nước và tạo ra thách thức cho ngân hàng trung ương.
Cụ thể, trong ngắn hạn, lạm phát cùng các vấn đề nội tại như năng suất lao động còn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, trong đó tác động chính đến từ chênh lệch lãi suất.
Về lâu dài, tính bền vững của các biện pháp kích thích vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chuyển sang các tài sản có khả năng phòng ngừa lạm phát nếu tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn.
Ở góc nhìn tích cực, bà Hạnh lại cho rằng, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để nắm giữ thị phần đang ngày càng tăng trong sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, nhờ hội nhập tốt với thương mại quốc tế sau khi ký kết nhiều FTA.
Do đó, vị chuyên gia này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025. Sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Chính phủ đang hỗ trợ cho mức lãi suất thấp trong hiện tại.
“Lạm phát có thể tăng trở lại bắt đầu từ quý II/2025. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ trở lại bình thường trong thời điểm này. Các động thái của Fed cũng sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của NHNN”, bà Hạnh nêu rõ.
Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong trung hạn, bà Hạnh cũng cho rằng, sự rõ ràng trong triển vọng chính sách và quá trình chuyển giao chính trị sẽ củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư. Tuy vậy, Việt Nam sẽ cần tăng cường các phương án ứng phó với thiên tai, đa dạng hóa nền kinh tế ngoài sản xuất và tìm kiếm thêm nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) khác ngoài châu Á.
"Việc đa dạng hóa nguồn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam phát huy tiềm năng và đẩy nhanh phát triển kinh tế vào năm 2025", bà Hạnh nhấn mạnh.