NIM ngân hàng cải thiện trong quý IV

Trong báo cáo chiến lược đầu tư 2025, Chứng khoán Vietcap dự báo tổng NIM của nhóm ngân hàng theo dõi sẽ phục hồi trong quý IV/2024, dự phóng NIM các ngân hàng trong năm 2024 đạt 3,55%, tăng nhẹ 0,02 điểm % so với năm 2023. Các động lực tăng trưởng đến từ tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và cho vay bán lẻ chịu ảnh hưởng một phần bởi các yếu tố có tính mùa vụ.

Cập nhật mới nhất theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 13/12, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt 12,5%, cách mục tiêu cả năm 2,5 điểm %. Trước đó,Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ sự tin tưởng vào việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% trong năm 2025, một phần được hỗ trợ bởi các yếu tố mùa vụ vào cuối năm 2024.

Các chuyên gia của Vietcap cho biết tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2024 của các ngân hàng được thúc đẩy bởi mảng bán buôn và bán lẻ (tăng 24,3%), xây dựng (tăng 26,2%) và bất động sản (30,8%). Sang năm 2025, nhóm phân tích kỳ vọng NIM cải thiện được thúc đẩy bởi nhu cầu tín dụng mạnh hơn từ mảng cho vay bán lẻ, giảm các gói hỗ trợ cho khách hàng khi nền kinh tế phục hồi và chất lượng tài sản cải thiện.

Theo đó, NIM dự kiến tăng 0,14% đối với nhóm ngân hàng nhà nước và tăng 0,1% đối với nhóm ngân hàng tư nhân trong năm 2025. Chuyên gia dự phóng tổng NIM 2025 đạt 3,68% và tăng lên 3,79% trong năm 2026.

Lợi nhuận ước tăng hơn 22% trong năm 2025

Báo cáo Vietcap nhận định mức tăng 17,3% trong lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy tín hiệu triển vọng lợi nhuận tích cực trong năm 2024 và các chuyên gia kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận này sẽ tiếp tục tiếp diễn trong năm 2025.

Về kết quả kinh doanh, nhóm phân tích dự phóng tổng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng trong năm 2024 sẽ tăng 14,4%, nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và NIM cải thiện.

Trong năm 2025, chuyên gia Vietcap dự báo lợi nhuận sau thuế gộp tăng 22,3%, được hỗ trợ bởi thu nhập lãi thuần tăng 18,2% do NIM cải thiện và tín dụng tăng mạnh và thu nhập ngoài lãi tăng 22,5% do phí bán chéo bảo hiểm (bancassurance) phục hồi dần từ mức nền thấp vài năm 2024, thu nhập từ xử lý nợ cao hơn từ các khoản nợ xấu đã xử lý khi thị trường bất động sản phục hồi.

“Những khoản tăng này sẽ bị ảnh hưởng một phần bởi chi phí tín dụng cao hơn dự kiến do tình trạng nợ xấu còn ở mức cao và hạ nhóm nợ khi Thông tư 02 hết hiệu lực”, báo cáo Vietcap nhận định.

Áp lực nợ xấu giảm

Về chất lượng tài sản, các chuyên gia dự báo tỷ lệ nợ xấu cộng tỷ lệ nợ xấu đã xử lý bằng dự phòng của các ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong quý IV/2024, đồng thời áp lực lên tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ giảm so với các quý trước.

Bước sang 2025, nhóm phân tích Vietcap kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ được cải thiện nhờ vào các yếu tố như môi trường lãi suất thấp và nhu cầu tín dụng mạnh.

“Trong năm 2025, dự báo tỷ lệ nợ xấu cộng tỷ lệ nợ xấu đã xử lý bằng dự phòng cùng nợ nhóm 2 là 3,92% (giảm 0,45 điểm %). Tỷ lệ xử lý nợ sẽ tăng cao khi các ngân hàng tiếp tục làm sạch bảng cân đối kế toán”, báo cáo Vietcap cho hay.

Quay trở lại thời điểm quý III/2024, tổng tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,9% đi ngang so với hai quý liền trước. Tuy nhiên, tỷ lệ hình thành nợ xấu trong quý III đã giảm và tỷ lệ nợ nhóm 2 tiếp tục được cải thiện khi giảm trong hai quý liên tiếp. Do đó, các chuyên gia Vietcap nhận định áp lực hình thành nợ xấu có khả năng giảm trong các quý tới.

Nhóm phân tích đánh giá tỷ lệ xử lý nợ trong 9 tháng đầu năm là ổn định so với nửa đầu năm 2024, đạt 0,8%. Tổng chi phí tín dụng hàng năm vẫn ở mức cao là 1,2%, trong khi tổng tỷ lệ bao phủ nợ trong quý III/2024 nhìn chung không thay đổi.