Nhiều hãng taxi đã đưa VinFast VF 3 vào khai thác, đưa đón khách hàng với giá cước hấp dẫn chỉ từ 8.000 – 10.000 đồng/km. Người dùng sẽ được hưởng mức giá ưu đãi 3.300 – 5.800 đồng/km ở chiều về khi đã đạt số km theo quy định.

Nếu so sánh với mức giá niêm yết của các hãng taxi chạy xăng dầu hiện nay thì mức giá taxi VF 3 đưa ra khá cạnh tranh. Tuỳ vào loại xe (4 chỗ, 7 chỗ), giá cước mở cửa của Mai Linh, Vinasun, G7, Taxi Group.. dao động 10.000 – 12.000 đồng, 30km đầu tiên khoảng 12.000 – 17.000 đồng, từ 31km trở đi 11.000 – 15.000 đồng.

Cuộc đua về giá cước

Một hãng taxi ở khu vực Quảng Nam vừa thông báo mức giá mở cửa VinFast VF 3 là 10.000 đồng/km, đến km thứ 30 là 9.000 đồng/km và từ km thứ 31 có giá 8.000 đồng/km (chưa bao gồm phí cầu đường và bến bãi).

Hiện tại, hãng cũng tung ra nhiều ưu đãi cho tuyến đường 30 km từ Đà Nẵng đi Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam) là 99.000 đồng, chiều ngược lại là 199.000 đồng. Như vậy, khách hàng chỉ cần bỏ ra 3.300 đồng/km cho chiều đi và 6.600 đồng/km cho chiều ngược lại. Bên cạnh đó, đơn vị này còn nhận các tour giá rẻ từ 30 – 60km để phục vụ khách hàng.

Tính từ thời điểm mới ra mắt đến nay, đây đã là hãng taxi thứ 3 đưa VinFast VF3 vào chạy dịch vụ, sau Taxi 123 khu vực Bắc Ninh và một hãng taxi tại Sơn La.

Theo bảng giá niêm yết của hãng taxi ở Sơn La, mức giá mở cửa là 5.000 đồng/lượt, từ 0,3km đến 60km là 7.500 đồng, trên 60 km sẽ có giá ưu đãi 7.000 đồng. Nếu khách đi 2 chiều từ 30km trở lên sẽ giảm 70% chiều về, tiền chờ là 30.000 đồng/giờ. Hãng cho biết, tất cả các chi phí trên đã bao gồm VAT.

Còn với Taxi 123, mức giá mở cửa là 9.000 đồng/km và 30.000 đồng/giờ chờ. Đối với đường dài 2 chiều (từ 30 km một chiều trở lên), lượt về giảm giá tới 70%. Nếu người dùng lựa chọn đi 2 chiều (cả đi và về từ 40km đến 60 km) thì giá cước giảm mạnh chỉ còn 5.800 đồng/km.

Bên cạnh đó, 2 đơn vị kinh doanh khác là Let's Go Taxi và TOGO đã thông báo mua VinFast VF 3 nhưng chưa có đơn vị nào vận hành chính thức.

Hồi tháng 8/2024, Let's Go Taxi công bố thông tin ký kết hợp đồng mua 200 xe VinFast VF3 đầu tiên. Hãng dự kiến sẽ mua tổng cộng 600 xe điện VF 3 trong giai đoạn 2024 - 2025 nhằm mở rộng hoạt động tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Ngoài VinFast VF3, Let's Go Taxi còn nhập Wuling mini EV – dòng ô tô điện Trung Quốc về làm phương tiện vận chuyển. Hiện tại, dòng xe này đã được đưa vào hoạt động với mức giá mở cửa khá cạnh tranh là 8.000 đồng/km.

Sân chơi liệu có rộng cửa với taxi điện?

Ngày 24/12, VinFast ra thông báo cho biết sẽ áp dụng chính sách miễn phí sạc pin với tất cả khách hàng đã và sẽ mua xe điện tới hết ngày 30/6/2027. Riêng đối với các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe điện sẽ miễn phí 100% chi phí sạc trong khung giờ từ 22h đêm hôm trước tới 6h sáng hôm sau, các khung giờ còn lại được giảm 50% đơn giá.

Với “0 đồng nhiên liệu” trong vòng hơn hai năm tới, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều động lực để chuyển đổi sang xe điện”, thông báo của VinFast cho hay.

Với chiến lược “0 đồng nhiên liệu” trong vòng hơn hai năm tới của VinFast, dự báo sẽ là thách thức lớn đối với các các hãng xe động cơ đốt trong trên thị trường, đặc biệt là các đơn vị vận hành taxi.

Thay vì hoạt động riêng lẻ, các hãng taxi đang bắt tay nhau để định lại cuộc chơi. Cuối năm ngoái, Mai Linh – hãng taxi lâu đời nhất Việt Nam đã ký kết hợp tác với Xanh SM, đầu tư 3.999 xe điện VinFast từ nay đến cuối năm 2025. Đội xe điện Mai Linh sẽ bao gồm các dòng xe VinFast VF e34 và VF 5, giữ nguyên màu xanh lá đặc trưng, đồng thời gắn thêm logo “Đối tác của Xanh SM”.

Lãnh đạo Mai Linh cho rằng, việc đầu tư xe điện là chiến lược quan trọng, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ của hãng. Với sự hỗ trợ từ Xanh SM, Mai Linh sẽ nhận được các ưu đãi tài chính trong quá trình đầu tư xe điện và được hỗ trợ lắp đặt trạm sạc thông qua công ty V-Green. Ngoài ra, các chi nhánh của hãng sử dụng xe điện sẽ được tích hợp trên ứng dụng Xanh SM, giúp gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Cũng liên quan đến định hướng về xe điện của taxi Mai Linh, trong chuyến thăm Tập đoàn Phillips International (Hàn Quốc) vào tháng 7/2024, Mai Linh và Phillips đã thỏa thuận hợp tác phân phối xe điện tại Việt Nam. Hai bên cam kết xây dựng nhà máy sản xuất chung tại Việt Nam, chuyển giao công nghệ và cung cấp xe điện Phillips, thông tin từ World Alliances Journal.

Phillips International sẽ ưu tiên cung cấp cho Mai Linh các loại xe điện sản xuất và lắp ráp tại Hàn Quốc, đồng thời chuẩn bị mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Việc chuyển giao công nghệ sẽ được thực hiện đầy đủ theo một hợp đồng độc lập.

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Mai Linh – một hãng taxi từng nói không với taxi điện và xe điện đã phải thay đổi góc nhìn. Theo chiến lược đã được xác định từ năm ngoái, công ty dự định sử dụng dòng xe hybrid để bảo vệ môi trường, giảm khí thải CO2, và thay thế dần các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2024.

Chia sẻ tại cuộc họp thường niên năm 2024, lãnh đạo Mai Linh thừa nhận, trong năm ngoái, các hãng xe công nghệ và hãng xe mới thành lập tham gia vào thị trường khiến “miếng bánh vận tải” bị chia nhỏ và tạo ra không ít áp lực, buộc Mai Linh phải triển khai các phương án kinh doanh khác nhau, chi phí vận hành, marketing để đảm bảo chất lượng dịch vụ và ổn định hoạt động kinh doanh.

Việc Mai Linh và nhiều hãng taxi khác như Let's Go Taxi, TOGO... chuyển sang sử dụng xe điện phản ánh rõ nét xu hướng xanh hóa và chuyển dịch năng lượng trong ngành vận tải. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này không tránh khỏi những khó khăn và thách thức. Dù vậy, đây là xu thế tất yếu của thời đại, nếu chậm chân, các hãng taxi có nguy cơ đánh mất thị phần trong tương lai gần.