Cổ phiếu TV2 của Công ty Tư vấn Xây dựng điện 2 đang trở lại sau giai đoạn lao dốc vì trượt dự án trọng điểm. Điều này được thúc đẩy bởi triển vọng kinh doanh sáng hơn trong năm tới với sự thuận lợi về đầu vào và đầu ra.
Vào giữa tháng 12/2024, TV2 đã ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Sản xuất First Solar Việt Nam, mở ra cơ hội trong lĩnh vực cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và cung cấp mô-đun năng lượng mặt trời.
Theo biên bản ghi nhớ, công ty sẽ trở thành đối tác chiến lược trong việc phân phối và sử dụng mô-đun năng lượng mặt trời của First Solar trong tương lai - một tập đoàn công nghiệp năng lượng mặt trời hàng đầu của Mỹ.
Bên cạnh đó, thông qua cơ chế DPPA, TV2 sẽ cung cấp nguồn điện xanh, sạch với chi phí hợp lý, đồng thời hỗ trợ First Solar trong việc đạt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong sản xuất toàn cầu vào năm 2028.
Đây là thỏa thuận hợp tác theo cơ chế DPPA thứ hai. Thoả thuận hợp tác DPPA đầu tiên là với H&M Việt Nam (thuộc tập đoàn bán lẻ thời trang đa quốc gia H&M), được ký trong tháng 11/2024.
Các thoả thuận hợp tác DPPA được ký kết theo Nghị định 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và các khách hàng sử dụng điện lớn.
Các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn có thể mua bán điện trực tiếp với nhau thông qua hai phương án gồm qua đường dây riêng và lưới điện quốc gia. Thông qua cơ chế mới, các đơn vị phát điện sẽ giảm sự phụ thuộc vào cơ chế giá và quy trình huy động từ EVN.
Phía doanh nghiệp Việt Nam nói các thỏa tuận trên khẳng định cam kết tham gia ngày càng sâu rộng của TV2 trong cơ chế hợp tác DPPA, mở ra nhiều cơ hội mới trong việc phát triển năng lượng tái tạo bền vững tại Việt Nam.
Đây là bước tiến và động lực mới cho doanh nghiệp sau khi tuột mất dự án trọng điểm xây dựng nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2. Tháng 7/2024, Bộ Công thương thông báo chấm dứt hợp đồng BOT Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2.
Công ty TNHH Điện lực Sông Hậu 2 đã không đạt được Ngày đóng tài chính theo hợp đồng BOT nên bị chấm dứt dự án. Phía chủ đầu tư Công ty Toyo Ink Group Berhad cho biết đang tìm kiếm tư vấn pháp lý liên quan đến dự án.
Nhiệt điện Sông Hậu 2 thực hiện theo hình thức BOT tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có diện tích thực tế là 116,61ha, công suất thiết kế 2.120MW, tổng số vốn đăng ký đầu tư là 72.000 tỷ đồng (3 tỷ USD).
Sự việc chấm dứt hợp đồng BOT đã gây ảnh hưởng không chỉ đến chủ đầu tư mà còn tác động đến nhà thầu TV2. Mã chứng khoán liên tiếp bị bán tháo trên sàn với khối lượng lớn, lui về cùng đáy 27.300 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, TV2 đang có động lực tăng giá trở lại tại 34.350 đồng/cổ phiếu (ngày 27/12), tăng 26% so với vùng đáy trước đó và là vùng cao nhất trong vòng 5 tháng gần đây. Mã này kết thúc năm tại mức 33.400 đồng/cổ phiếu.
Theo Chứng khoán VCBS, TV2 còn hưởng lợi từ mảng lưu trữ năng lượng với quy mô pin lưu trữ có thể đến 300 MW vào 2030. Bộ Công Thương đang nghiên cứu vấn đề pin lưu trữ (BESS), trong đó nghiên cứu về tỷ trọng lắp đặt BESS trong các dự án năng lượng tái tạo.
Đối với ứng dụng BESS, đơn vị phân tích nhận thấy TV2 là công ty tiên phong triển khai hệ thống pin tích trữ năng lượng với quy mô 750kW/2.557kWh, đây là hệ thống BESS lớn nhất Việt Nam tại thời điểm lắp đặt.
Mảng O&M (vận hành và bảo trì) đem về doanh thu ổn định, biên lợi nhuận tốt với tiềm năng tăng trưởng tích cực. VCBS ước tính doanh thu O&M các nhà máy điện đóng góp khoảng 400 tỷ đồng/năm và tổng công suất quản lý lũy kế của TV2 sẽ vượt 6GW trong năm 2025.
Doanh nghiệp cho biết hiện đang tích cực phát triển mảng kinh doanh này và đặt mục tiêu đem về doanh thu trên 1.000 tỷ đồng sau năm 2026. Giá trị hợp đồng O&M kỳ vọng cho mỗi dự án trong khoảng 1-2% tổng mức đầu tư.
Chứng khoán Everest chỉ ra thêm các dự án phát triển nguồn điện của TV2 có hiệu quả đầu tư cao. Các nhà máy đã triển khai từ năm 2022 như: Thủy điện Thác Bà 2, điện sinh khối Hậu Giang sẽ bắt đầu phát điện trong giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025, đóng góp thêm cho doanh thu của công ty.