Huyền thoại Warren Buffett được cộng đồng nhà đầu tư yếu mến vì kinh nghiệm lựa chọn cổ phiếu và lợi nhuận mà ông mang lại cho các cổ đông của tập đoàn Berkshire Hathaway.
Bên cạnh đó, Buffett cũng được biết đến với những lời khuyên giá trị có thể áp dụng vào đầu tư và cuộc sống. Dưới đây là một bài học thú vị mà vị tỷ phú 94 tuổi từng nhiều lần gửi gắm đến các nhân viên cấp dưới, theo tổng hợp của Benzinga:
Chuyện gì đã xảy ra?
“Nhà hiền triết xứ Omaha” có nhiều điểm nhấn trong sự nghiệp thành công chói lọi của mình, nhưng ông cũng từng trải qua khoảnh khắc tồi tệ khi đầu tư vào ngân hàng Salomon Brothers.
Vào năm 1987, tập đoàn của Warren Buffett đã chi 700 triệu USD để mua 12% cổ phần Salomon. Đến năm 1991, một vụ bê bối liên quan đến trái phiếu kho bạc Mỹ đã khiến ngân hàng gần như sụp đổ.
Để cứu vãn tình hình, Buffett phải trở thành Chủ tịch kiêm CEO tạm thời của Salomon và thực hiện những thay đổi để vực dậy ngân hàng đầu tư này.
Vào tháng 9/1991, trong một phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ, Buffett tiết lộ ông đã yêu cầu mọi nhân viên của Salomon phải biết tự quản lý chính mình.
Ông đưa ra hai yêu cầu cho các nhân viên. Yêu cầu đầu tiên là họ phải tuân thủ mọi quy định và tự hỏi chính mình rằng họ có muốn xuất hiện trên trang nhất các báo và để vợ con đọc được thành tích công việc của bản thân hay không.
Nếu các nhân viên tuân thủ quy tắc thứ nhất, Buffett khá tự tin rằng họ có thể bỏ qua yêu cầu thứ hai.
“Tôi có thể thông cảm nếu họ làm mất tiền của công ty. Tôi sẽ thật tàn nhẫn nếu họ đánh mất dù chỉ một chút danh tiếng của công ty”, Buffett cho hay trong phiên điều trần.
Về sau, Salomon được Travelers Group mua lại. Thương vụ đó đã mang lại lợi nhuận khá cho Berkshire và là minh chứng cho thấy Buffett đã thành công giải cứu ngân hàng như thế nào.
Bài học là gì?
Huyền thoại đầu tư 94 tuổi đã sử dụng câu chuyện của Salomon như một bài học kinh nghiệm quan trọng trong suốt nhiều năm khi thảo luận về giá trị của danh tiếng.
Buffett kể lại, Salomon biết một nhân viên có hành vi xấu nhưng không báo cáo lại và liên tục phớt lờ câu chuyện. Kết quả là ngân hàng này suýt thì sụp đổ.
Theo lời “nhà hiền triết xứ Omaha”, tất cả những gì Salomon phải làm là nhấc điện thoại lên và báo cáo giao dịch có vấn đề của người nhân viên. Song, cựu CEO John Gutfreund đã có quyết định huỷ hoại sự nghiệp của chính mình.
Từ vụ việc của Salomon, một trong những bài học quan trọng nhất mà Buffett kể với các nhà quản lý cấp dưới là về danh tiếng của doanh nghiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu thập niên 2000, Buffett cho hay: “Chúng ta có thể để mất tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Nhưng chúng ta không thể để mất danh tiếng. Ngay cả một chút cũng không. Hãy chắc rằng mọi thứ chúng ta làm đều có thể được đưa tin trên trang nhất của một tờ báo quốc gia”.
Trong cuộc phỏng vấn, ông cho biết Berkshire đã được vinh danh là một trong những doanh nghiệp đáng ngưỡng mộ nhất trên thế giới và phải mất 37 năm tập đoàn mới đạt được thành tựu này.
“Chúng ta có thể đánh mất danh tiếng cả đời chỉ trong 37 phút và đó là một thông điệp quan trọng”, Buffett tiếp lời. Ông nhấn mạnh một khi danh tiếng đã mất, không ai có thể lấy lại được.
Sự tập trung vào danh tiếng có thể là một trong những lý do giúp Berkshire vượt qua được thử thách của thời gian và là một cách để Buffett phát hiện ra những CEO giỏi và công ty tốt để đầu tư.