Dữ liệu từ Nikkei Asia cho biết khoảng 20% doanh số VinFast trong quý III/2024 đến từ GSM - công ty sở hữu thương hiệu taxi điện Xanh SM do ông Phạm Nhật Vượng thành lập. Tỷ lệ này đã giảm so với hơn 70% năm 2023. Điều này cho thấy “VinFast đã tiếp cận sâu hơn vào thị trường tiêu dùng cá nhân” - tờ báo nhận xét.

Thực tế, theo con số cập nhật mới nhất ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất soán xét bán niên 2024 của Vingroup, cho thấy tập đoàn thu 5.746 tỷ đồng từ GSM, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là các giao dịch mua phương tiện xe điện VinFast của GSM nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh vận tải gồm cho thuê xe điện và vận hành dịch vụ taxi điện Xanh SM.

Trong năm 2023, GSM cũng chi gần 19.000 tỷ đồng để mua xe từ VinFast - đóng góp 70% vào doanh thu mảng sản xuất (hạt nhân chính là VinFast) của Vingroup. Báo cáo của chính VinFast cũng cho thấy 72% doanh số ô tô điện và 46% doanh số xe máy điện trong năm 2023 đến từ các bên liên quan, chủ yếu là GSM.

GSM là doanh nghiệp do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập vào tháng 3/2023 với vốn điều lệ ban đầu 3.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Vượng góp 95% vốn thông qua việc chuyển quyền sở hữu hơn 50,7 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 1,31% vốn điều lệ tập đoàn, thuộc sở hữu cá nhân, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) góp 3% còn CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam góp 2%.

Sau nhiều lần nâng vốn, hiện vốn điều lệ của GSM đạt 9.666 tỷ đồng.

GSM không thuộc sở hữu của Vingroup do đó lãi lỗ của doanh nghiệp này không được ghi nhận trong báo cáo tài chính của tập đoàn. Tính tới tháng 9/2024, Xanh SM có hơn 80.000 xe đang lưu hành hàng ngày trên đường bao gồm cả xe máy điện, ô tô điện và xe của đối tác.

Theo báo cáo của Modor Intelligence, xét trên doanh thu, Xanh SM đã vươn lên vị trí thứ hai trong quý IV/2023 với hơn 18% thị phần, chỉ xếp sau Grab. Tỷ lệ này thậm chí cao gấp 2-3 lần những đối thủ đã có nhiều năm chinh chiến trên thị trường như Be, Gojek, Mai Linh hay Vinasun.

GSM mới đây đã mở rộng dịch vụ sang thị trường Indonesia, sau Lào.

Trong khi đó, tỷ lệ bán hàng của VinFast cho người tiêu dùng nội địa ngày càng tăng lên. 11 tháng đầu năm 2024, hãng xe điện này ghi nhận doanh số khoảng 67.000 xe tại Việt Nam - vượt qua các thương hiệu động cơ đốt trong từ Nhật Bản, Hàn Quốc để trở thành hãng xe có thị phần số 1 nội địa.

Trong bối cảnh đó, VinFast đẩy mạnh sản xuất khởi động thêm nhà máy công suất 300.000 xe/năm tại Hà Tĩnh trong giai đoạn đầu và có thể nâng lên thành 600.000 xe/năm trong tương lai. Hiện công suất nhà máy chính VinFast tại Hải Phòng là 250.000 xe/năm giai đoạn đầu và tăng lên 950.000 xe/năm những năm tới.

Hãng cũng đẩy mạnh xây dựng nhà máy tại Ấn Độ, Indonesia dự kiến hoạt động trong năm nay và nhà máy tại Mỹ vào năm 2028.

Tuy nhiên, theo Nikkei, thách thức lớn nhất của VinFast hiện nay là làm sao đạt được lợi nhuận. Tháng 10/2024, VinFast đã huy động được 6.000 tỷ đồng bằng cách phát hành hai đợt trái phiếu.

Đến tháng 11, ông Phạm Nhật Vượng cam kết sẽ bơm thêm 50.000 tỷ đồng vào VinFast từ nay đến cuối năm 2026. Vingroup cũng thông báo sẽ cung cấp thêm 35.000 tỷ đồng vốn. Chia sẻ với Nikkei, đại diện của Vingroup bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực tài chính của VinFast và cho biết đây sẽ là khoản hỗ trợ cuối cùng từ công ty mẹ.