2024 tiếp tục là một năm rực rỡ đối với ngành nông nghiệp khi liên tiếp nhiều kỷ lục đã bị phá vỡ. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêutăng 46,8% tiếp tục đạt con số cao nhất từ trước tới nay 17,9 tỷ USD.

Kết quả trên đạt được trong bối cảnh ngành nông nghiệp vẫn đang đối mặt với hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam hay bão lũ ở miền Bắc (cơn bão số 3 - Yagi). Theo ước tính của các chuyên gia, bão Yagi đã làm giảm khoảng 0,3 - 0,5 điểm % tăng trưởng của toàn ngành trong năm 2024.

Đóng góp vào đà tăng trưởng này, nhiều mặt hàng nông sản ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục nhờ những yếu tố thuận lợi của thị trường thế giới, đặc biệt là yếu tố giá cả. Đồng thời, sự chuyển dịch trong cơ cấu sản phẩm cũng giúp giá trị ngành hàng tăng cao.

Có 7 nhóm mặt hàng hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Trong đó, 4 mặt hàng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục là cà phê (5,48 tỷ USD, gạo (5,75 tỷ USD), rau quả (7,12 tỷ USD), hạt điều (4,3 tỷ USD).

Xuất khẩu cà phê lập đỉnh nhờ giá liên tục phá đỉnh

Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng mạnh trong năm 2024 lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 5 tỷ USD. Đồng thời, đây là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu mặt hàng này thiết lập mức kỷ lục mới.

Giá cà phê xuất khẩu trong năm nay đạt bình quân 4.105 USD/tấn, tăng 58,5% so với 2023. Sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2023 - 2024 ước đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm 6% so với niên vụ trước đó. Niên vụ 2024 - 2025 (hiện đang trong giai đoạn thu hoạch) cũng được dự báo tiếp tục giảm khoảng 5%.

Việc nguồn cung giảm góp phần khiến giá cà phê trong nước tăng mạnh trong hai năm qua. Tiếp nối đà tăng 70% trong năm 2023, giá cà phê trong năm 2024 tiếp tục trải qua một con sóng lớn ở cả thị trường trong nước và thế giới. Giá cà phê liên tục thiết lập những kỷ lục mới và hiện giá cao gần gấp đôi so với đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu là nguồn cung của các nước sản xuất lớn như Việt Nam, Brazil suy giảm.

Giai đoạn cuối năm, sức nóng giá cà phê thế giới và trong nước dường như vẫn chưa có dấu hiệu dịu lại, thậm chí còn “tăng nhiệt” khi thiết lập kỷ lục mới (5.300 USD/tấn ở thị trường thế giới và 130.000 đồng/kg ở thị trường nội địa).

Sầu riêng tiếp tục là lực “kéo” của ngành rau quả

Hoạt động xuất khẩu rau quả năm 2024 đem về trên 7 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 6-6,5 tỷ USD nhưng chỉ sau 11 tháng ngành rau quả đã đạt 6,6 tỷ USD, vượt qua chỉ tiêu năm, thậm chí vượt qua mức kỷ lục thiết lập năm ngoái là 5,6 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng sầu riêng đóng góp gần một nửa kim ngạch cho nhóm mặt hàng này.

Sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, kết hợp với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Theo Bộ Công Thương đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây.

Trong đó, sầu riêng, thanh long... của Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ ASEAN.

Ngoài ra, hồi tháng 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký ba nghị định thư, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc.

Việc ký kết các Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch nông sản đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản của Việt Nam tại thị trường này. Sầu riêng là một ví dụ. Sau khi có Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường này trong 2 năm trở lại đây đã lớn hơn rất nhiều so với các năm trước cộng lại.

Hiện tại Việt Nam đang phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới...

Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng lên tới khoảng 67% trong số các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo hưởng trái ngọt nhờ tập trung sản phẩm cao cấp

Việt Nam xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo trong năm 2024, thu về 5,75 tỷ USD. So sánh với năm ngoái, mặc dù khối lượng chỉ tăng khoảng 13% nhưng kim ngạch tăng tới 23%. Có được điều này nhờ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thời điểm, giá gạo của Việt Nam cao nhất thế giới. Việc tập trung vào dòng gạo thơm cao cấp đã đem lại “trái ngọt” cho ngành gạo Việt Nam. Những loại gạo này thường có giá cao hơn với gạo thường. Đối với những loại gạo phẩm cấp thấp hơn, Việt Nam nhập khẩu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm khác.

Hiện Việt Nam đang thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh. Mô hình sản xuất lúa giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và phát thải.

Ngoài ra, việc Ấn Độ siết chặt hoạt động xuất khẩu gạo, kèm theo nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường truyền thống tăng mạnh như Philippines, Indonesia, Malaysia….cũng góp phần đẩy giá gạo tăng lên. Năm nay, lượng gạo xuất khẩu sang Philippines tăng mạnh khoảng 40% lên trên 4 triệu tấn. Đây cũng là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu hạt điều vượt mốc 4 tỷ USD

Xuất khẩu hạt điều năm nay cũng đạt mức kỷ lục xét về cả lượng và kim ngạch. Theo đó, Việt Nam xuất khẩu được hơn 729.000 tấn, đem về 4,38 tỷ USD, tăng 20% về lượng và 13% về kim ngạch. Ngành này thậm chí cán đích mục tiêu cả năm 2024 ngay từ luỹ kế 10 tháng khi đạt gần 3,58 tỷ USD.

Việc xuất khẩu hạt điều vượt mốc 4 tỷ USD, chủ yếu do tăng mạnh về lượng xuất khẩu. Bởi, giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt hơn 6.000 USD/tấn, chỉ tăng tăng nhẹ 5% so với năm 2023.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc đều có nhu cầu cao vào dịp cuối năm và lễ hội. Điển hình như thị trường Mỹ ghi nhận lượng xuất khẩu khoảng 30%.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 10, cơ quan này cho biết Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm 64,62% tổng lượng và chiếm 71,08% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu các chủng loại hạt điều trên đã tác động tích cực lên toàn ngành.

“Điều này cho thấy, sản phẩm hạt điều chế biến của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Đây được cho là tín hiệu rất tích cực đối với ngành điều nước ta”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Hướng tới mục tiêu thiết lập kỷ lục mới trong năm 2025

Trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 64-65 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp chiều ngày 27/12, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá năm 2023, rau quả tăng trưởng xuất khẩu 67%. Năm 2024, tiếp đà tăng trưởng 27%. Đây là sự tích lũy thành quả của các năm trước, theo Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3-5 năm. Số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Ví dụ, Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả, góp phần những sản phẩm như sầu riêng, chuối, dừa… tăng trưởng tích cực.

Trong năm 2025, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả cho rằng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn. Để xuất khẩu bền vững hơn, ông Bình cho rằng cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện hiệp hội kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.

Đối với ngành thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mốc 10 tỷ USD. Con số này tăng 13% so với năm 2023 và thấp hơn 1 tỷ USD so với mức kỷ lục thiết lập năm 2022.

Tuy nhiên, tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn với thủy sản. Đầu tiên là việc trong 5-6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản chỉ “loanh quanh 8-10 tỷ USD”. Chỉ số tăng trưởng lúc 2%, lúc 6%. Ngoại trừ năm 2022, thủy sản Việt Nam xuất khẩu được 11 tỷ USD, tăng 23%.

Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, ngành này cần xuất khẩu được 16 tỷ USD. Đại diện VASEP đề xuất lập chợ đấu giá để ngư dân bán được hàng với giá tốt nhất, Nhà nước truy xuất được dữ liệu. Thứ hai, là soát xét, sử đổi phù hợp các quy định liên quan đến vùng khai thác (bờ, lộng, khơi). Thứ ba, là soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài - đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư.