Sầu riêng tiếp tục là động lực chính cho xuất khẩu rau quả 2025

Hoạt động xuất khẩu rau quả năm 2024 đem về trên 7 tỷ USD, tăng 27% so với năm ngoái. Đây là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu rau quả thiết lập kỷ lục, vượt so với mục tiêu mà ngành đặt ra là 6-6,5 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng sầu riêng đóng góp gần một nửa kim ngạch.

Sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, kết hợp với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc là những nhân tố đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết năm nay ngành đặt mục tiêu xuất khẩu tiếp tục lập mốc kỷ lục mới, tăng 15% so với 2024 lên khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng tiếp tục đóng vai trò là lực đẩy chính và vẫn còn dư địa tăng trưởng cho năm 2025.

Ông Nguyên cho biết sầu riêng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong năm nay nhờ sản lượng có thể tiếp tục tăng khoảng 15%.

“Năm 2025, mặt hàng này vẫn còn dư địa tăng trưởng khi sản lượng dự kiến tăng khoảng 15% nhờ việc người dân trồng gối đầu. Bên cạnh đó, người dân một số vùng trồng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên biết cách tăng năng suất. Cá biệt có một số vườn ghi nhận năng suất khoảng 30 tấn/ha, cao gấp đôi so với thông thường. Ngoài ra, nhiều mã số vùng trồng dự kiến được cấp cho các vườn trong năm nay, đủ điều kiện để xuất khẩu”, ông Nguyên cho biết.

Sầu riêng của Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc kể từ khi Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch từ giữa năm 2023. Đây cũng là thị trường tiêu thụ sầu riêng chủ yếu của Việt Nam. Bên cạnh sầu riêng tươi, hồi tháng 8, nước này cũng “mở cửa” cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh cửa Việt Nam. Đây là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.

Theo Bộ Công Thương đến nay, Việt Nam đã có 15 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải, chanh dây và dừa tươi.

Trong đó, sầu riêng, thanh long... của Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ ASEAN.

Hiện tại Việt Nam đang phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới...

Năm 2024, Trung Quốc đóng góp 4,7 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Ông Nguyên kỳ vọng con số này sẽ nâng lên trên 5 tỷ USD trong năm nay.

“Có hai mặt hàng trở thành động lực mới cho năm 2025 là sầu riêng đông lạnh và dừa tươi. Đây là những mặt hàng mới được Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch từ tháng 8/2024. Dự kiến từ quý II năm nay, Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi vào Trung Quốc nhờ nhu cầu tăng mùa cao điểm“, ông Nguyên cho biết.

Sức ép từ đối thủ mới

Trong năm 2025, Việt Nam sẽ đối diện với nhiều sức ép khi xuất hiện các đối thủ cạnh tranh mới, điển hình như sầu riêng của Indonesia.

Hiện tại Trung Quốc và Indonesia vẫn đang đàm phán để ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng. Có thể thể giữa năm nay, Indonesia sẽ được phép xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc nếu mọi chuyện suôn sẻ. Khi đó, giá xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực lớn bởi giá sầu riêng Indonesia rất rẻ nhờ sản lượng lớn, trung bình khoảng 60.000 đồng/kg (theo quy đổi sang VND), thấp hơn nhiều so với mức khoảng 100.000 đồng/kg.

Ông Nguyên cho rằng mức giá này “dư sức” bù lại phần chênh lệch chi phí logistics khi xuất khẩu sang Trung Quốc, so với Việt Nam. Mặc dù vậy, xét về chất lượng, sầu riêng của Indonesia vẫn thấp hơn so với Việt Nam và Thái Lan liên quan đến vấn đề giống.

Ngoài đối thủ cạnh tranh mới, căng thẳng thương mại Trung Quốc - Mỹ cũng đang là vấn đề mà ngành rau quả quan tâm.

Theo đại diện của Vinafruit, nếu cuộc xung đột này ảnh hưởng đến nền kinh tế của Trung Quốc, sức tiêu thụ của rau quả nhập khẩu tại thị trường này cũng sẽ ảnh hưởng. Thay vào đó, họ sẽ ưu tiên thụ hàng nội địa. Còn đối với thị trường Mỹ, việc cước tàu tăng cao do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột địa chính chị và thương mại cũng vẫn là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả khi bán hàng sang các thị trường châu Âu, Mỹ.

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ những biến số này, ông Nguyên cho biết trong năm nay ngành sẽ đẩy mạnh việc đa dạng hoá thị trường, đặc biệt là khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là những thị trường có vị trí địa lý khá gần, không chịu nhiều ảnh hưởng từ các cuộc xung đột nên cước tàu ở mức hợp lý hơn. Ngoài ra, các thị trường này cũng có dân số đông, mức thu nhập cao nên họ có điều kiện để sử dụng rau quả nhập khẩu.